Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Cà rốt tốt cho gan và tiêu hóa

Cà rốt tốt cho gan và tiêu hóa


Cà rốt là một loại củ được dùng làm thực phẩm hàng ngày ở nhiều gia đình. Ngoài việc là một món ăn ưa thích của nhiều người thì cà rốt còn thực sự có nhiều công dụng rất tuyệt vời cho sức khỏe.


ảnh minh họa
Giúp gan thải độc
Hoạt chất có nhiều nhất trong cà rốt đó là Beta caroten. Đây là một nguyên tố tiền vitamin A. Khi vào cơ thể Beta caroten sẽ chuyển hóa thành vitamin A. Ngoài ra, trong cà rốt còn có nhiều sinh tố khác như vitamin C, vitamin nhóm B, các chất khoáng và đặc biệt nhiều chất xơ. Bởi vậy ca rốt có tác dụng chống ôxy hóa, tăng cường quá trình thải độc.
Đặc biệt, theo Ths. Bs. Doãn Thị Tường Vi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, vì trong cà rốt có hàm lượng Beta caroten nên khi ăn vào có tác dụng chống viêm, tăng cường miễn dịch và làm cho cơ thể khỏe mạnh, kích thích các enzym trong gan để gan tăng cường thải độc.
Tốt cho người bị rối loạn tiêu hóa
Bên cạnh đó, trong cà rốt còn có rất nhiều pectin đặc biệt tốt cho những người bị rối loạn tiêu hóa. Pectin hút hết các chất độc trong lòng ruột để các chất độc không hấp thụ vào cơ thể. Như thế cũng có nghĩ là hỗ trợ cho lá gan không phải đào thải các chất độc này.
Cũng theo Ths. Bs. Doãn Thị Tường Vi, những ai bị rối loạn tiêu hóa, đi ngaòi phân lỏng, trong khẩu phần ăn nên cho cà rốt vào. Chất pectin trong cà rốt được giải phóng khi chúng ta xay nhuyễn và khi ăn vào cơ thể giúp hút hết các chất độc trong lòng ruột, làm cho phân đặc lại và đào thải ra ngoài. Như vậy sẽ giúp chữa bệnh rối loạn tiêu hóa.
Với cà rốt không chỉ dùng để chế biến món ăn mà còn có thể ăn sống hoặc làm nước sinh tố vừa thơm ngon vừa hấp dẫn mà có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lạm dụng cà rốt.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm

Chữa ho đơn giản bằng các loại quả tự nhiên

Chữa ho đơn giản bằng các loại quả tự nhiên


Ho là một triệu chứng thường thấy khi bị cảm do ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Đây cũng là triệu chứng của nhiều loại bệnh thuộc đường hô hấp hoặc bệnh của các cơ quan khác trong cơ thể có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.


ảnh minh họa
Khi bị ho, cơ thể sẽ rất khó chịu, mất ngủ, rát cổ họng... Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh hay dùng, bạn nên tìm hiểu một số loại quả không chỉ hiệu quả để giảm cơn ho, mà còn an toàn, hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.
Dưới đây là một số loại quả có tác dụng giảm ho:

Quả quất
Quả quất có vị chua ngọt, tính mát, có công dụng kích thích tiêu hóa, giảm ho và trừ đờm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh: chướng bụng đau, chán ăn, nôn nấc, ho khạc nhiều đờm, và các bệnh ho khác. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và các vitamin, có tác dụng chống viêm, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng vi-rút. Do vậy, dùng quả quất để làm long đờm biện pháp hiệu quả cao trong điều trị.
Dùng quất ngâm với một chút muối để ngậm hoặc uống; hấp cách thủy quất với đường phèn tạo thành dạng siro để uống rất tốt cho chữa ho… Bạn có thể hấp quất với mật ong (trẻ dưới 1 tuổi dùng đường phèn thay mật ong): Dùng 1 quả quất rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, chế thêm một chút mật ong rồi đem hấp trong 15 – 20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước ấm (nếu cần) rồi chia uống vài lần trong ngày.

Để tăng thêm công hiệu, có thể hấp quất và mật ong cùng với hoa hồng bạch 5g, hạt chanh 5g hoặc lá hẹ 5g hoặc xuyên bối mẫu 3g tán vụn hoặc hoa đu đủ đực 8g.
Chanh đào
Quả chanh đào có rất nhiều tác dụng, trong đó phải kể đến tác dụng chữa ho bằng quả chanh đào giúp phòng chống và trị ho, viêm họng.
Có nhiều cách để áp dụng trong việc chữa ho từ chanh đào như: chanh cắt lát ngâm muối dùng để ngậm, chanh đào trộn với mật ong hoặc đường phèn hấp cách thủy (hoặc hấp vào nồi cơm vừa cạn nước)…
Bài thuốc đông y chữa ho hiệu quả, đơn giản được dân gian áp dụng nhiều nhất chính là chanh đào hấp mật ong, đường phèn. Cách làm rất dễ, nguyên liệu luôn có sẵn, ai cũng có thể thực hiện và áp dụng
Hạt chanh
Lấy hạt chanh, hạt quất, lá thạch xương bồ mỗi vị 10 g, mật gà đen một cái. Tất cả dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm cho chín rồi uống làm 2-3 lần trong ngày. Hoặc hạt chanh 10 g, lá hẹ 15 g, hoa đu đủ đực 15 g, nước 20 ml. Các dược liệu đem nghiền nát, hòa với nước rồi thêm mật ong hoặc đường kính, uống làm 3 lần trong ngày, dùng vài ngày.
Phật thủ
Đây là một loại quả có công hiệu chữa ho hiệu quả, đặc biệt là cho trẻ mà không được nhiều người biết đến khi chăm sóc trẻ. Quả Phật thủ ngâm với nước muối, rửa sạch vỏ bên ngoài, gọt thành từng miếng mỏng từ vỏ vào đến hết ruột rồi trộn với mạch nha, cho vào hấp cách thủy (hoặc hấp nồi cơm) từ 30 đến 45 phút. Lấy ra để nguội cho vào tủ lạnh dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ lấy ra 10ml vào chén con rồi ngâm vào bát nước nóng cho ấm lên rồi cho bé uống. Có thể pha thêm vào một chút nước lọc để làm thành thuốc trị ho cho bé dễ uống.
Nho khô
Nghiền nát nho khô, sau đó trộn với ít nước và đường, tiếp đến đun nóng hỗn hợp này rồi để nguội. Sử dụng hỗn hợp này trước khi đi ngủ để chữa ho cũng rất tốt.
Quả dâu tây
Dùng dâu tây ép lấy nước, rồi lấy nước ép đó cho bé uống. Dâu tây không chỉ có tác dụng tiêu đờm, mà còn giúp giảm bớt khô ngứa họng. Do đó, nếu bé lớn có thể hướng dẫn bé ngậm nước ép dâu tây trong cổ họng một lúc để làm dịu nhẹ viêm họng.
Quả la hán
Đông y cho rằng quả la hán vị ngọt, tính mát, không độc đi vào hai kinh phế và đại trường (sách Quảng Tây Trung dược chí nói quy kinh phế và tỳ). Có công năng nhuận phế, lợi hầu, hóa đàm chỉ khát, nhuận tràng thông tiện. Do đó được sử dụng để trị ho phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết (trị đàm hỏa ho, ho gà, huyết táo)... Cụ thể được sử dụng trong viêm long đường hô hấp trên như hầu họng, viêm amidan...
Ngoài ra còn thấy nước sắc của quả la hán có tác dụng chống ho, khử đờm rõ ràng và lại còn có khả năng làm tăng cường chức năng miễn dịch của các tế bào của cơ thể.
Quả lê
Theo Đông y, lê vị ngọt, hơi chua, tính hàn, vào các kinh phế và vị, có tác dụng bổ phế, thanh tâm, tiêu đờm, làm hết ho, giáng hoả, giải khát, dùng chữa các bệnh thuộc nhiệt, sốt do bệnh phổi, đờm nhiều, viêm họng, viêm khí phế quản...
Lấy một quả lê nặng khoảng 100g, cắt thành miếng nhỏ, nấu nhừ, bỏ bã, cô nước cốt thành cao, thêm đường vào đủ ngọt, trộn đều, chia làm 3 - 4 lần uống trong ngày. Khi uống hòa cao với nước sôi. Bài thuốc này dùng chữa ho, tiêu đờm, chữa viêm đường hô hấp có kết quả tốt.
Lấy một quảlê, giã nát, vắt lấy nước đem cô đặc lại, cho ít mật ong vào khuấy đều (có người còn cho thêm nước gừng), bảo quản trong lọ kín dùng dần, mỗi lần uống hai thìa cà phê với nước đun sôiđể ấm. Bài thuốc này có tác dụng trừ đờm, chỉ khái, dùng chữa các chứng ho do đờm nhiệt, ho kéo dài lâu ngày.
Quả khế
Theo Đông y, quả khế gọi là ngũ liễm tử có vị chua chát, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, thanh nhiệt, giải uế, giúp làm lành vết thương. Khế được coi là loại thuốc trị ho hiệu quả, bởi vị chua của khế làm dịu êm vòm họng ngay lập tức mà không ảnh hưởng đến dạ dày như thuốc Tây.
Cách dùng: Cắt lát miếng khế, chấm với muối và ngậm một lúc trước khi ăn; Ngâm 1 chút khế với mật ong và ăn; Lấy một chum khế, tẩm với rượu gừng để sắc uống
Nghệ là loại gia vị thường dùng trong chế biến một số món ăn… Ngoài ra, nghệ còn là vị thuốc trị ho hiệu quả. Củ nghệ tươi gọt vỏ, cắt nhiều lát mỏng. Chanh tươi gọt vỏ, cắt lát mỏng, lượng bằng với nghệ (chừng 6-7 lát). Củ gừng tươi cũng rửa sạch, cắt lát mỏng nhưng lượng bằng một nửa nghệ. Cho ba nguyên liệu này vào tô hay chén cùng một ít nước sôi và 2 muỗng mật ong (hoặc 2 muỗng đường phèn) rồi đem chưng cách thủy, dùng nước chưng này để chữa ho rất tốt. Có thể dùng luôn cả xác càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha 1 muỗng cà phê bột nghệ với một ly sữa nóng rồi dùng vào mỗi buổi sáng và tối sẽ giúp giảm ho và đau họng rất nhiều.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm

8 công dụng tuyệt vời của hành tây

8 công dụng tuyệt vời của hành tây


Nếu bạn không thích hành tây thì có thể dùng nước ép của nó chứ đừng bỏ qua loại thực phẩm này bởi hành tây có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.


ảnh minh họa
1. Chống lại ung thư

Thay vì chú trọng vào các loại trái cây giàu vitamin C, bạn có thể thêm hành tây vào các món ăn hàng ngày như một vũ khí bổ sung giúp cơ thể phòng chống các bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các thành phần chống oxy hóa mạnh mẽ trong hành tây giúp hạn chế sự hình thành các gốc tự do, nguyên nhân gây ra các tế bào ung thư. Bạn có thể ép lấy nước hành tây để cho vào các món ăn nếu bạn không thích ăn cả lá hành tây.

2. Trị gàu

Nước ép hành tây có thành phần lưu huỳnh, một chất thường xuất hiện trong các loại sản phẩm đặc trị gàu. Do đó, thay vì dùng các sản phẩm đắt tiền, bạn có thể dùng nước ép hành tây massageda đầu từ 15-20 phút, xả sạch với nước ấm rồi gội đầu bình thường.

3. Hạ sốt

Nếu bạn chẳng may bị cảm và sốt nhẹ, bạn có thể dùng nước ép hành tây hay đơn giản là vài lát hành để hạ sốt. Dùng hành tây xoa nhẹ lên trán và để trong ít nhất 30 phút, khi kiểm tra lại thân nhiệt bạn sẽ thấy khá hơn vì hành tây có công dụng hạ sốt rất hiệu quả.

4. Ngăn ngừa bệnh lao

Mặc dù y học hiện đại đã có những phương pháp chữa bệnh lao nhưng hành tây vẫn được xem là một trong những phương pháp cổ truyền giúp ngừa bệnh lao hữu hiệu nhất. Theo các nhà khoa học, để phòng bệnh lao, chúng ta nên bổ sung thêm nước ép từ 1-2 củ hành tây vào các bữa ăn mỗi ngày.

5. Trị mụn

Đối với những nốt mụn xuất hiện khi kỳ nguyệt san đến gần thì nước ép hành tây là một loại thuốc bôi giúp làm cho mụn xẹp đi nhanh chóng. Thành phần lưu huỳnh trong hành tây không chỉ giúp kháng khuẩn hiệu quả mà còn ngăn ngừa nốt mụn bị viêm nhiễm. Các chuyên gia khuyên dùng nước ép hành tây pha với nước chanh theo tỉ lệ 1:1 và chấm lên các nốt mụn sưng đỏ sau khi rửa mặt sạch để làm xẹp nốt mụn nhanh chóng.

6. Giảm nhanh chứng viêm và đau khớp

Một trong những bài thuốc trị đau khớp nổi tiếng nhất trong y học cổ truyền của người Ấn Độ là dùng mè đen giã nhuyễn trộn với nước ép hành tây và đắp lên vùng khớp bị đau. Mỗi ngày đắp hỗn hợp này từ 2-3 lần, mỗi lần khoảng 1-2 giờ sẽ giúp giảm sưng ở vùng khớp bị viêm rất hiệu quả và đồng thời nhanh chóng làm dịu cơn đau.

7. Trị bỏng nắng

Nước ép hành tây rất tốt cho các vết bỏng nắng khi bạn phơi mình quá lâu ngoài trời. Không chỉ làm dịu cảm giác nóng rát ở vùng da bị bỏng nắng, nước ép hành còn ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn trên các vùng da này.

8. Giúp bệnh nhân tiểu đường hạ mức đường huyết

Hành tây chứa thành phần allyl propyl disulphide (APDS). Các nghiên cứu đã chứng minh thành phần allyl propyl disulphide có trong hành tây rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Cụ thể là sau khi ăn hành tây, lượng được glucose trong máu giảm nhanh đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đo được hàm lượng insulin tăng lên đáng kể.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm.

Chanh và những tác dụng tốt cho gan

Chanh và những tác dụng tốt cho gan


Chanh là một loài cây quen thuộc ở Việt Nam. Nhiều bộ phận khác nhau của cây chanh có thể sử dụng làm bài thuốc hay trị bệnh gan. Uống nước chanh tươi cũng giúp giảm gánh nặng cho gan.


Từ quả đến lá chanh đều có công dụng tốt cho sức khỏe.
Theo lương y Hà Văn Tiêu, Phó chủ tịch Hội Đông y Thành phố Hà Nội, cây chanh hay ở chỗ ngoài bài thuốc chữa sơ gan từ quả chanh non còn rất nhiều bộ phận khác của cây chanh cũng có công dụng đối với gan. Ví dụ như bài thuốc bình gan kết hợp từ nhiều vị, trong đó có lá chanh. Trong y học, lá chanh là một trong những loại lá có tác dụng bình gan.
Thầy thuốc ưu tú, Ths. Bs. Doãn Thị Tường Vi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 cũng cho biết, chanh là nhóm hoa quả chúng ta dùng hàng ngày đều rất tốt. Bởi vì hàm lượng vitamin C trong chanh là vitamin C tự nhiên. Nó sẽ hấp thu và chuyển hóa rất tốt mà không mất đi trong quá trình chế biến (vì chúng ta thường ăn quả tươi). Đặc biệt, lượng vitamin C này khi vào cơ thể có tác dụng nâng cao sức đề kháng, làm vững bền các thành mạch, tăng cường quá trình chuyển hóa và thải độc cho gan.
Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyên rằng khi sử dụng nhóm hoa quả như chanh, cam, bưởi nên ăn cả tép để bổ sung thêm chất xơ, giúp nhuận tràng, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể bằng đường tiêu hóa. Như vậy cũng có nghĩa là giảm được gánh nặng cho hoạt động của lá gan.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm

Cỏ mần trầu tiêu viêm, trừ thấp

Cỏ mần trầu tiêu viêm, trừ thấp


Cỏ mần trầu còn có tên màn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, mọc khắp nơi ở nước ta, thu hái vào mùa khô. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, dùng ở dạng tươi hay khô.

ảnh minh họa
Theo Đông y, mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm trừ thấp, cầm máu, tán ứ và mát gan. Liều dùng hằng ngày 16 - 20g khô hoặc 40 - 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác để chữa một số chứng bệnh dưới đây rất hiệu quả.
Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.
Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.
Chữa viêm da, vàng da: cỏ mần trầu tươi 60g, rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.
Chữa viêm tinh hoàn: cỏ mần trầu 60g, cùi vải 10 cái. Sắc uống.
Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít: cỏ mần trầu 16g, cỏ tranh 16g. Sắc uống.
Chữa sốt cao co giật, hôn mê: vỏ mần trầu 120g. Sắc với 600ml nước, còn 400ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
Mần trầu cũng là một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong bài là giải độc, an thai, thanh nhiệt.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm.

Bài thuốc trị suy nhược thần kinh

Bài thuốc trị suy nhược thần kinh


Suy nhược thần kinh (tâm căn suy nhược) thuộc phạm vi nhiều chứng bệnh: kinh quý, chính xung, kiện vong (quên), đầu thống (đau đầu), thất miên (mất ngủ) của y học cổ truyền.


Cúc hoa là vị thuốc trong bài Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm chữa suy nhược thần kinh do can thận âm hư.
Bệnh do nhiều nguyên nhân như lo nghĩ quá nhiều, làm việc học tập quá sức gây căng thẳng; do bản thân người bệnh thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) dẫn đến rối loạn các tạng tâm, can, tỳ, thận. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh theo từng thể.
Thể tâm và can khí uất kết
Người bệnh có biểu hiện tinh thần uất ức, hay phiền muộn, ngực đầy tức, bụng trướng đầy hơi, ăn kém, rêu lưỡi trắng, mạch huyền. Phép chữa là sơ can lý khí, an thần. Dùng một trong các bài:
Bài 1: câu đằng 12g, cúc hoa 8g, thảo quyết minh 12g, cam thảo dây 12g, tô ngạnh 8g, hương phụ 8g, chỉ xác 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Bài 2: Tiêu dao thang gia giảm: sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, phục linh 12g, bạch thược 12g, thanh bì 8g, cam thảo 6g, bạc hà 8g, uất kim 8g, hương phụ 8g, chỉ xác 8g, táo nhân 8g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Gia giảm: nếu người bệnh biểu hiện mặt đỏ, miệng đắng (uất hóa hỏa) thêm đan bì 8g, chi tử 12g; nếu hay hồi hộp ngủ mê, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt (đàm hỏa uất kết) thêm trúc nhự 6g, bán hạ chế 8g; nếu khó thở tức ngực, cảm giác khó nuốt (đàm khí trở trệ) thêm tô ngạnh 8g, hậu phác 8g, bán hạ chế 8g.
Thể can thận âm hư
Thể này được chia làm 4 thể sau:
Âm hư hỏa vượng (âm hư dương xung): người bệnh hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp hay xúc động, vui buồn thất thường, ngủ ít, hay nằm mê, miệng họng khô, người nóng bừng, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền tế sác. Phép chữa là tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm: kỷ tử 12g, cúc hoa 8g, thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, câu đằng 12g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, táo nhân 8g, bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Bài 2: sinh địa 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, mạch môn 12g, chu sa 0,6g, cam thảo 6g, xuyên tiêu 8g, toan táo nhân 8g, phục linh 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Gia giảm: nếu tinh thần hoảng hốt, hay xúc động thêm cam thảo 8 - 12g; nếu hoa mắt chóng mặt, hồi hộp thêm chân trâu mẫu 40g, mẫu lệ 12g.
Thể tâm, can, thận âm hư: Người bệnh biểu hiện đau lưng, ù tai, di tinh, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, tiểu tiện trong, đại tiện táo, miệng khô, mạch tế. Phép chữa là bổ thận âm, bổ can huyết, an thần cố tinh. Dùng bài: thục địa 12g, kỷ tử 12g, hoàng linh 12g, hà thủ ô 12g, táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, long nhãn 8g, kim anh tử 8g, khiếm thực 8g, thỏ ty tử 8g, tục đoạn 12g, ba kích 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Thể tâm tỳ hư: Người bệnh có biểu hiện ăn kém, ngủ ít, dễ hoảng sợ, sút cân, người mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, hồi hộp, rêu lưỡi trắng, mạch nhu tế hoãn. Phép chữa là kiện tỳ an thần. Dùng bài: bạch truật 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 8g, táo nhân 8g, đẳng sâm 12g, ý dĩ 12g, liên nhục 12g, bá tử nhân 8g, kỷ tử 12g, đỗ đen sao 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Thể thận âm, thận dương hư: Người bệnh biểu hiện sắc mặt trắng, lưng gối mỏi yếu, di tinh, liệt dương, lưng, chân tay lạnh, ngủ ít, tiểu tiện trong dài nhiều lần, lưỡi nhạt, mạch trầm vô lực. Phép chữa là ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Bát vị quế phụ gia giảm: thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 4g, phục linh 8g, táo nhân 8g, viễn chí 6g, kim anh 12g, khiếm thực 12g, ba kích 12g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Bài 2: Hữu quy hoàn gia giảm: thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, kỷ tử 12g, cao ban long 12g, đỗ trọng 8g, nhục quế 4g, phụ tử chế 8g, táo nhân 8g, viễn chí 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Lưu ý: Chữa suy nhược thần kinh cần kết hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc và tâm lý liệu pháp. Cần động viên, giải thích nguyên nhân gây bệnh để người bệnh tích cực hợp tác. Sau khi bệnh thuyên giảm, nên hướng dẫn người bệnh tự xoa bóp, khí công dưỡng sinh, thể dục và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm

Công dụng tuyệt vời của trứng gà

Công dụng tuyệt vời của trứng gà


Trứng gà là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên của mọi người, mọi gia đình. Không chỉ là thực phẩm ngon, trong trứng gà có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, trứng gà còn có nhiều công dụng tuyệt vời có thể bạn chưa biết.


ảnh minh họa
Trứng gà có rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ được chất trong dinh dưỡng trong trứng và ăn bao nhiêu là vừa?

Công dụng của trứng gà

Lương y Nguyễn Công Đức cho biết, trứng gà hay trứng vịt đều là những món ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, trứng gà vượt trội về mặt dinh dưỡng hơn trứng vịt. Tác dụng này càng có hiệu ứng cao trong trứng gà so đẻ lứa đầu, trứng nhỏ và người sử dụng thường xuyên đúng cách.

Trong trứng gà có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12,…Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, mangiê, sắt và kẽm. Cụ thể, thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gồm có 71 đơn vị calo, không có tinh bột, 5g chất béo.

Ngoài ra, nguồn protein trong trứng rất dồi dào và các loại axits rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Riêng lòng trắng trứng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai cho cơ bắp.

Chất lecithin trong trứng có tác dụng trong quá trình tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của gan, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch do cholesterol gây ra.

Vitamin D là vi chất thiết yếu để con người tiêu thụ canxi và duy trì sức khỏe cho xương. Do vậy, có thể nói trứng cùng các sản phẩm từ sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương
Mặc khác trứng còn có tác dụng cải thiện sức khỏe cho tóc và móng vì trứng rất giàu chất sunfur, các vitamin, khoáng chất.

Đối với người hoạt động tri óc thì trứng là một loại thực phẩm tuyệt vời bởi vì trong lòng đỏ trứng cũng rất giàu axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ. Vì vậy, ăn trứng giúp tăng cường trí nhớ, rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, nhất là sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.

Cách ăn trứng để không mất chất dinh dưỡng


Từ trứng có thế chế biến được nhiều món ăn, nhưng thường thì mọi người hay chiên hoặc luộc. Trong thực tế, có nhiều quan niệm rằng hấp trứng gà sống hoặc ăn trứng trần qua nước sôi sẽ rất bổ dưỡng. Nhưng những các nghiên cứu gần đây cho rằng, ăn trứng gà chưa được nấu chín sẽ rất có hại cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trên bề mặt trứng có những lỗ nhỏ li ti, vi khuẩn dễ xâm nhập vào. Do vậy, không nên ăn trứng gà sống bằng bất cứ hình thức nào.Khi ăn bạn nên luộc chín và ngay cả cách đập trứng vào trong nước nóng hoặc trong cháo nóng để ăn cũng không nên mà phải luộc kỹ để phòng chống nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, trong lòng trắng có chất chống lại vitamin H, chất này ngăn cản sự hấp thụ của cơ thể đối với vitmamin H này (là một loại vitamin cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể). Nếu thiếu vitamin H sẽ gây đau cơ bắp, mất ngủ, buồn nôn, giảm hồng cầu…Vì vậy nên nấu sôi trứng khi còn để vỏ từ lúc sôi trong vòng 7 phút, nếu đập bỏ vỏ nấu sôi trong vòng 5 phút là an toàn nhất.

Như vậy, ăn trứng cũng cần phải chú ý đến vấn đề chế biến, vì trứng chín hoàn toàn mới phát huy được dưỡng chất. Tùy theo cách chế biến, trứng có giá trị dinh dưỡng khác nhau như trứng luộc: giá trị dinh dưỡng là 99%, trứng chiên là 97%, trứng trần hoặc trứng sống thì giá trị dinh dưỡng thấp chỉ khoảng từ 30-50%. Tuy nhiên, bạn cần phải biết mặc dù trứng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không phải cứ ăn bao nhiêu cũng được mà cần phải có chế độ dinh dưỡng bổ sung cho hợp lý.

Ăn bao nhiêu trứng là vừa?

Theo tổ chức Tim mạch của Anh, mỗi người không nên ăn quá 4 quả trứng trong một tuần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không nên ăn quá 10 quả trứng một tuần. Tuy nhiên, tốt nhất đối với người lớn tuổi thì không nên ăn quá 5 quả trứng một tuần, đối với thanh niên thì ăn tối đa chỉ 7 quả trứng trong một tuần. Đối với trẻ dưới 12 tháng thì trẻ có thể bị dị ứng ngay sau khi ăn trứng, nhất là những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và bắt đầu ăn dặm. Do vậy, chỉ nên bổ sung trứng cho trẻ khi trẻ trên 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, khi ăn trứng bạn nên ăn thêm các chất như là hoa quả, trái cây có nhiều hàm lượng vitamin C để tăng cường sự hấp thu sắt của trong cơ thể. Đặc biệt, sau khi ăn trứng chúng ta không nên uống trà, vì trong trà có chất làm giảm hấp thu chất sắt.

Trứng là một loại thực phẩm vô cùng lý tưởng, không quá tốn kém để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cơ thể bằng trứng. Tuy nhiên, để trứng thực sự phát huy được tối đa những chất dinh dưỡng vốn có thì bạn cần phải biết chế biến đúng cách và sử dụng tùy theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi và nhu cầu của cơ thể.
Nha khoa Oanh Nguyễn sưu tầm

NHA KHOA OANH NGUYỄN-----***----- 25/9/3 Lê Sát, Phường. Tân Quý, Q. Tân Phú, TP.HCM-----***----- ĐT: 0903 02 01 84 - 0909 65 1998-----***----- WWW.nhakhoaoanhngnuyen.blogspot.com-----***-----Email: nhakhoa.oanhnguyen@gmail.com