Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Tin tức




Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”.


Hai câu Quan Họ trên đủ cho thấy, trong xã hội Việt Nam, hàm răng đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong mối dây tình cảm của con người.

Ông cha ta đã rất khôn ngoan khi nhận xét rằng “răng tóc là gốc con người”. Mặc dù nếu hiểu gốc là nguồn gốc, câu nói trên vẫn đúng về mặt khoa học (răng có xuất xứ từ ngoại bì (ectoderm), một trong ba tế bào phôi thai chính tạo nên các cơ quan ngoại tạng của sinh vật), nhưng theo thiển ý của chúng tôi trong câu nói trên, ông bà ta muốn nhấn mạnh rằng hàm răng cái tóc chính là nền tảng của con người.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng trình bày một cách đơn giản nhất tầm quan trọng của hàm răng và nụ cười trong một cuộc sống của chúng ta. Đồng thời chúng tôi cũng không quên nhắn gửi rằng ngày nay với sự giúp đỡ của ngành nha khoa thẩm mỹ, không có gì gọi là bất khả thi nếu chúng ta muốn có hàm răng và nụ cười như ý. Răng: Một Vị Trí Không Thể Thiếu Trong Cái Đẹp và Sự Thành Công

Trở lại với câu ca dao ở trên, hai người yêu nhau có biết bao chuyện để nhớ, nhưng tại sao hàm răng đã làm cho đối phương mang nỗi nhớ da diết đến như thế? Theo Dr. Bill Dickerson, Las Vegas Institute for Advanced Dental Studies, có đến 94% những người được hỏi ý kiến cho rằng “hàm răng và nụ cười” chính là điều mang ấn tượng nhất (first impression) sau khi giao tiếp với một người. Học Viện Nha Khoa Thẩm Mỹ Hoa kỳ(American Academy of Cosmetic dentistry, AACD) còn cụ thể hơn khi công bố “chưa đầy 25 giây sau khi gặp một người, chúng ta sẽ chú ý đến nụ cười của người đó”. Thêm nữa, ba trong số bốn (75%) những người tham gia vào cuộc khảo sát này cũng cho rằng một nụ cười thiếu duyên dáng (unattractive smile) có thể làm tổn hại đến cơ hội thành công của chúng ta.

Tương tự như vậy, sau khi làm một cuộc so sánh rất công phu,viện Đại học King’s college, Anh Quốc đã đưa ra kết luận những người có hàm răng hư sẽ không giành được cảm tình tốt như những người có hàm răng đẹp.

Thật vậy, dù Đông hay Tây, Âu hay Á, “Hàm răng và nụ cười” vẫn luôn là những tiêu chuẩn không thể thiếu được để phẩm định cái đẹp của một người. Nếu chịu khó để ý quan sát một chút ta dể dàng nhận ra rằng trong xã hội hiện nay, hầu hết những người thành công và hạnh phúc đều có hàm răng đẹp hoặc rất đẹp. Các Hoa hậu hay các siêu người mẫu sẽ ra sao nếu thiếu đi những nụ cười duyên dáng? Những kỳ nam mỹ nữ như Brad Pitt, Catherine Zeta Jones và các ngôi sao màn bạc Hollywood sẽ không còn là chính họ nếu không có những chiếc răng trắng đều, trong suốt và gợi cảm

Sâu răng - Đừng chủ quan!


Sâu răng là tổn thương tiêu huỷ cấu trúc vôi hoá chất vô cơ của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ sâu trên bề mặt răng và do vi khuẩn gây ra. Tổn thương dẫn đến viêm tủy răng, tủy răng bị chết, viêm hoặc áp-xe quanh cuống răng. Bệnh sâu răng có thể gây vỡ răng, hôi miệng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Do đâu răng bị sâu?
Sở dĩ bạn bị sâu răng là do sự phối hợp của các yếu tố sau đây: vi khuẩn, chất đường và thời gian, trong đó vi khuẩn luôn có sẵn ở trong miệng tạo thành vi khuẩn chí, đặc trưng ở mỗi người; chất đường có thể tồn tại khoảng 1 giờ ở miệng sau khi ăn các loại thức ăn chứa đường. Do trên bề mặt răng có các mảng bám nên vi khuẩn gây bệnh sâu răng trú ẩn ở đây và có thể gây bệnh sâu răng. Vi khuẩn có thể sử dụng đường có trong miệng để tạo ra các mảng bám răng. Chúng còn biến đường thành chất axit và chất axit này ăn mòn dần các chất vô cơ của men răng và ngà răng, quá trình này tạo ra các lỗ sâu răng. Nhóm người có nguy cơ cao bị bệnh sâu răng gồm: trẻ em có thói quen ăn uống các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt; trẻ có dị dạng về răng miệng; trong gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột bị sâu răng...



 Lỗ sâu răng (trái) và sau khi điều trị hàn kín lỗ sâu (phải).
Làm sao biết được bạn bị sâu răng?
Khi bắt đầu bị tổn thương sâu răng, bệnh tiến triển nhưng không tạo lỗ sâu trên bề mặt răng, vì vậy, bạn hầu như không thể biết là mình đang bị sâu răng. Giai đoạn này, tổn thương có khi chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu xuất hiện trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Trường hợp bạn phát hiện được lỗ sâu nhưng lỗ sâu đó còn nông thì cũng không đau đớn gì. Chỉ đến khi tổn thương lỗ sâu đã ăn sâu vào đến lớp ngà răng thì bạn mới thấy hơi đau và có thể bạn vẫn cho qua mà chưa biết là bị sâu răng. Tuy nhiên, nếu bị kích thích bởi các yếu tố như ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh, thức ăn chua, ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị sâu răng sẽ ê buốt, đau tủy răng từng cơn. Khi đó nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng nhanh chóng. Nếu đã bị viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng. Đối với trẻ em bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không được điều trị đúng thì nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn là khó tránh khỏi. Nguy hiểm nhất là các trường hợp nhiễm khuẩn răng sữa có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn lan ra mặt rất nguy hiểm.
Sâu răng có cần dùng kháng sinh? 
Khi đã phát hiện bệnh sâu răng, bạn cần đến khám và điều trị tại chuyên khoa răng càng sớm càng tốt. Phương pháp chữa sâu răng thông dụng nhất hiện nay là hàn răng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khoan mở rộng lỗ sâu, nạo sạch ngà đã bị hủy hoại vụn nát, sát khuẩn lỗ sâu và sau đó hàn kín lại. Tuy nhiên đối với các trường hợp răng sâu nặng, không thể hàn bảo tồn được nữa thì bắt buộc phải nhổ bỏ răng đó đi. Kháng sinh được chỉ định đối với các trường hợp bị viêm nhiễm.
Phòng tránh bệnh sâu răng?
Như chúng ta đã biết, bệnh sâu răng tiến triển lâu dài trong vài năm mà không hề có triệu chứng, vì vậy chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh thường xuyên, lâu dài mới mong có kết quả. Các biện pháp phòng bệnh gồm: chải răng 3 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và ngay sau các bữa ăn trưa, tối, nhất là cần chải răng buổi tối trước khi đi ngủ. Mọi người cần biết cách chải răng đúng là: dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong hai hàm răng trên và dưới. Cần chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Kem chải răng nên dùng loại có thuốc diệt khuẩn, có fluor và canxi có tác dụng làm cho men răng cứng hơn, để răng có thể chống đỡ với vi khuẩn và axít tốt hơn. Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ giữa 2 răng như sau: dùng một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 35 - 40cm, quấn chặt vào hai đầu ngón tay giữa chừa khoảng cách khoảng 10cm, dùng hai ngón trỏ căng sợi chỉ, dùng ngón trỏ trái hoặc phải ấn sợi chỉ vào kẽ răng, kéo ngang 1cm để lấy thức ăn còn giắt (nếu có) ra khỏi kẽ răng. Dùng nước súc miệng có tác dụng khử khuẩn để làm sạch toàn bộ kẽ răng mà bàn chải và chỉ nha khoa chưa làm sạch được. Nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời điều trị những răng mới bị sâu.

           

ThS. Bùi Ánh Nguyệt

Có phải ai cũng cần làm đẹp răng?

Với bác sĩ, cải thiện thẩm mỹ bộ răng để có nụ cười đẹp có thể không phải là lý do chính cần thiết để nắn chỉnh răng, tuy nhiên, với bệnh nhân thì có lẽ đó là nguyên nhân quan trọng nhất. Một hàm răng không đẹp có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Thực tế, nắn chỉnh răng có thể mang lại những hiệu quả tích cực về mặt tâm lý.
Có phải ai cũng cần làm đẹp răng?


Phần lớn điều trị chỉnh nha được tiến hành vì nhu cầu thẩm mỹ và lợi ích mà mỗi bệnh nhân nhận được từ việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của mức độ sai khớp cắn và nhận thức của bệnh nhân về vấn đề này. Một số cá nhân có thể có sự lệch lạc ở mức độ quá rõ ràng làm ảnh hưởng trầm trọng tới gương mặt của họ. Lệch lạc khớp cắn mức độ nhẹ nên được điều trị với sự cẩn trọng vì khả năng tái phát sau khi điều trị.
Các bậc phụ huynh có thể có rất nhiều yêu cầu khác nhau nhưng các bác sĩ lâm sàng nên tiếp cận những vấn đề này một cách cẩn trọng và chỉ tiến hành điều trị khi nó đem lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Điều thiết yếu nhất cần nhớ là phụ huynh và bác sĩ cần phải nhận thức rõ về những hạn chế cũng như sự đòi hỏi nhiều thời gian của việc điều trị chỉnh nha.

 Bệnh nhân nam 9 tuổi, có hai răng thừa giữa hai răng cửa giữa hàm trên cần nhổ bỏ và đóng khe thưa sớm. - Ngay sau khi nhổ răng và gắn mắc cài. - Sau điều trị 4 tháng.
Kế hoạch làm đẹp cho răng Trong quá trình phát triển của bộ răng, có thể chia làm ba giai đoạn chính như sau: giai đoạn răng sữa, giai đoạn răng hỗn hợp và giai đoạn răng vĩnh viễn. Sau đây là một số gợi ý những trường hợp nào cần và nên điều trị theo các giai đoạn của bộ răng:
Đối với hàm răng sữa: Điều trị nắn chỉnh răng ở hàm răng sữa nhằm mục đích loại bỏ các cản trở đến sự tăng trưởng bình thường của mặt và cung răng; duy trì hoặc phục hồi lại chức năng bình thường. Những trường hợp có cắn chéo phía trước và sau; mất răng sữa gây thiếu khoảng trên cung hàm; các răng cửa sữa thay không đúng quy luật gây rối loạn sự mọc răng bình thường của các răng cửa vĩnh viễn; các răng mọc sai vị trí làm rối loạn chức năng khớp cắn hoặc gây ra khiếm khuyết há ngậm miệng; các thói quen xấu hoặc sai chức năng gây ra sai lệch phát triển. Bên cạnh đó, nếu trẻ không hợp tác điều trị, không đảm bảo kết quả có thể chấp nhận được và có thể đạt được kết quả tốt hơn mà ít nỗ lực hơn tại một thời điểm khác thì không nên thực hiện ngay việc nắn chỉnh, làm đẹp răng.
Đối với hàm răng hỗn hợp: Đây là thời kỳ thích hợp nhất để hướng dẫn cắn khớp và ngăn chặn sai  khớp cắn. Nha sĩ sẽ có thách thức lớn nhất cũng như cơ hội tốt nhất để tiến hành điều trị có hiệu quả. Lý do cần thực hiện nắn chỉnh với hàm răng hỗn hợp là để loại bỏ các cản trở sự phát triển bình thường của bộ răng; điều trị sai khớp cắn ở bộ răng vĩnh viễn không thể hiệu quả hơn.
Các trường hợp cần điều trị: Sự mất răng sữa gây nguy cơ thiếu khoảng trên cung hàm; sự đóng khoảng do sự mất sớm các răng sữa. Khoảng bị mất trên cung hàm cần phải được hồi phục; răng mọc sai vị trí gây cản trở phát triển chức năng cắn khớp bình thường, gây rối loạn mọc răng hoặc há ngậm miệng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, răng thừa có thể là nguyên nhân gây sai khớp cắn…
Đối với hàm răng vĩnh viễn: Tất cả các sai khớp cắn có thể sửa chữa nên điều trị ở giai đoạn còn trẻ. Mặc dù phần lớn các tài liệu đều khuyên nên điều trị sớm, tuy nhiên không phải lúc nào sớm nhất cũng là tốt nhất, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể. Chỉnh nha cũng có thể chỉ định cho người lớn tuổi, người già, tuy nhiên thường có nhiều trở ngại hơn do vấn đề mất răng và bệnh nha chu.    

Lứa tuổi nào bắt đầu chải răng?

Lứa tuổi nào bắt đầu chải răng?
Các chuyên gia về răng hàm mặt cho rằng: lứa tuổi tập cho các bé chải răng tốt nhất từ 3 – 4 tuổi. Tuy nhiên, trước đó khi các răng sữa đầu tiên xuất hiện thì cha mẹ hay người trông coi các bé phải biết cách làm sạch các mảng bám tồn đọng trên răng, lợi nhằm đề phòng các bệnh răng miệng xảy ra. Cụ thể:
Đối với trẻ dưới 1 tuổi: hàng ngày cha mẹ phải dùng gạc, khăn vải mềm quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước sôi để nguội, chà răng và nướu của bé để lau sạch răng cho các bé.
Đối với trẻ được 1 - 2 tuổi: ngoài việc hàng ngày dùng khăn, gạc lau răng, nướu của bé, cha mẹ phải chải răng cho các bé và tập cho các bé hình thành thói quen chải răng với loại bàn chải có lông mềm, nhỏ phù hợp với lứa tuổi.
Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên: các bé có thể tự chải răng (đánh răng) với sự giám sát của cha mẹ.
Việc nhắc nhở các bé chải răng sạch, kỹ đều đặn hàng ngày là rất quan trọng là giúp các bé hình thành thói quen chải răng sớm ngay sau các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ, nhằm loại bỏ các mảng bám thức ăn tồn đọng trên răng làm sạch răng lợi. Nếu chúng ta không chăm sóc răng nướu sạch sẽ, cẩn thận thì đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh sâu răng, nha chu.
Trẻ đến tuổi lên ba phải được hướng dẫn chải răng
Chải không đúng cách có thể gãy răng
Theo các chuyên gia, nếu chải răng không đúng cách như: kéo ngang như kiểu kéo cưa sẽ làm sụt chân răng, co lợi, răng sẽ bị mòn, thậm chí gãy luôn răng. Thao tác chải ngang này chỉ cho phép với mặt nhai.
Thao tác chải đúng là đặt bàn chải nghiêng 450 ngay dưới nướu răng. Chải nhẹ nhàng theo chiều thẳng đứng hoặc theo hình tròn trên răng và nướu. Lặp lại động tác này đối với tất cả các răng.
Chải mặt ngoài, mặt trong của răng theo chiều thẳng đứng. Đối với mặt nhai của răng, chải nhẹ theo chiều ngang. Lưu ý khi chải mặt ngoài, mặt trong của răng chải với động tác rung nhẹ tại chỗ nhiều lần, vừa rung vừa di chuyển bàn chải về phía mặt nhai, mỗi vùng lặp lại từ 6 - 10 lần.
Việc chọn bàn chải đánh răng cũng quan trọng không kém. Nên chọn bàn chải có lông mềm vừa phải, đầu nhỏ để có thể vào được góc trong cùng của hàm răng. Nếu chọn bàn chải cứng sẽ làm tổn thương đến răng và nướu. Khi chải răng cũng không nên chải quá mạnh vì hành động này không làm sạch được răng mà còn khiến bàn chải chóng hỏng.
Một ngày chải răng mấy lần?
Các chuyên gia khuyến cáo nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần sau các bữa ăn. Vì sau khi ăn (đặc biệt là với các thức ăn nhiều chất bột, đường), chỉ cần 5 – 10 phút là vi khuẩn đã làm lên men acid có khả năng phá thủng men răng. Bởi vậy, một trong những biện pháp phòng sâu răng hữu hiệu mỗi ngày: ăn bao nhiêu bữa thì chải răng sau bữa ăn bấy nhiêu lần. Thời gian để chải răng ít nhất là 2 phút. Nếu khó thực hiện việc này đều đặn thì có thể uống nhiều nước hơn sau khi ăn.
Đây cũng là cách để súc miệng, giúp làm trôi bớt các mảng bám trên răng, giúp răng sạch khỏe.
Vì vậy, nếu chúng ta chăm sóc răng miệng sớm, cẩn thận, kỹ lưỡng, chải răng đều đặn hàng ngày với kem có fluor sẽ giúp chúng ta dự phòng và tránh được bệnh sâu răng, nha chu.
Đây chính là biện pháp khoa học, dễ thực hiện, tương đối rẻ tiền, hiệu quả nhất để phòng bệnh sâu răng, nha chu cho mọi người, mọi đối tượng. Làm tốt được những vấn đề nói trên sẽ giúp chúng ta có thể giữ răng - nướu khỏe suốt đời.
NHA KHOA OANH NGUYỄN-----***----- 25/9/3 Lê Sát, Phường. Tân Quý, Q. Tân Phú, TP.HCM-----***----- ĐT: 0903 02 01 84 - 0909 65 1998-----***----- WWW.nhakhoaoanhngnuyen.blogspot.com-----***-----Email: nhakhoa.oanhnguyen@gmail.com